Càng gần những ngày giáp Tết, nhu cầu ăn uống, tổng kết, liên hoan cũng tăng mạnh. Những bữa tiệc triền miên nhiều chất béo, ít rau xanh quả chín, cộng thêm việc sử dụng rượu bia thường xuyên khiến hệ tiêu hóa phải “gồng gánh” làm việc hết công suất. Để khắc phục tình trạng này, hãy cùng tham khảo những chia sẻ của TTƯT.Ths.Bs. Nguyễn Thị Hằng (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam).
Hệ tiêu hóa “quá tải” vì những bữa tiệc Tất niên
Theo TTƯT.Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, trong những ngày lễ tết cuối năm, vấn đề sức khỏe nổi trội thuờng gặp nhất là tình trạng rối loạn tiêu hóa do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý. Trong đó, việc mất cân đối trong ăn uống như nạp nhiều thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi sẽ gây nên tình trạng tiêu hóa chậm chạp. Một số thực phẩm khi ăn nhiều gây đầy bụng, trướng hơi, tiêu chảy có thể kể đến như thức ăn giàu tinh bột, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, rượu bia, đồ uống có ga, gia vị quá cay…
Vào dịp cuối năm, việc các thực phẩm này thường xuyên xuất hiện trên bàn tiệc với tần suất dày đặc, khi kết hợp cùng các chất kích thích có trong rượu bia sẽ làm hệ tiêu hóa khó có thể dung nạp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong một thời gian ngắn. Đó cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến rối loạn tiêu hóa trở thành tình trạng phổ biến trong khoảng thời gian này.
Rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện từng đợt hoặc thường xuyên với những triệu chứng điển hình như: ăn không tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, bao tử co thắt bất thường, cơn đau bụng xuất hiện âm ỉ kéo dài và có xu hướng ngày một nặng hơn. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần và khó điều trị dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu để lâu có thể biến chứng thành các bệnh đường ruột nguy hiểm như viêm đại tràng, ung thư đại trực tràng,…
Bí quyết “né” rối loạn tiêu hóa dịp cuối năm
Trước tình trạng trên, Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: Nếu vấn đề rối loạn tiêu hóa xảy ra trên người mà không có bệnh lý trước đó thì đây chính là vấn đề của dinh dưỡng. Vì vậy, điều đầu tiên cần làm là phải cân đối giữa đường, đạm, mỡ, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Phải bổ sung thành phần còn thiếu trong chế độ ăn uống như rau xanh và nước. Trong đó, lượng nước mỗi ngày cần ít nhất từ 1,5 đến 2 lít, lượng rau xanh khoảng 400g mới giúp cho vận động của đường tiêu hóa tốt hơn.
Bác sĩ Hằng cũng nhấn mạnh, đối với rượu bia, bạn cần biết “uống có chừng, dừng đúng lúc”. Trong trường hợp không thể “nói không” với loại đồ uống này, bác sĩ đưa ra một vài lời khuyên như: ăn nhẹ trước khi uống rượu bia, uống thêm nước lọc trong và sau khi khi sử dụng đồ uống có cồn. Điều quan trọng hãy đưa ra cho mình một giới hạn và tuân thủ theo giới hạn đó.
Ngoài những lưu ý trong ăn uống, bác sĩ Hẳng khuyên chúng ta nên dự trữ sẵn các loại thuốc không kê đơn trị rối loạn tiêu hóa trong nhà như: thuốc nhuận tràng (Forlax, Duphalac), oresol,… Với người bệnh có tiền sử rối loạn tiêu hóa nên mang theo các loại thuốc này trong những bữa tiệc liên hoan.
Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng khuyến cáo trong những trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc các triệu chứng chuyển biến nghiêm trọng, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc tham gia vào các bữa tiệc tất niên cùng bạn bè, đồng nghiệp là điều không tránh khỏi trong dịp Tết Nguyên Đán của dân tộc. Ăn uống một cách khoa học, hợp lý, có chừng mực chính là cách tốt nhất giúp bạn duy trì sức khỏe, tận hưởng một năm mới an lành bên gia đình, người thân.